Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Phục vụ nhạc dân tộc tại điểm tham quan chùa Dơi Sóc Trăng



         
Đến tham quan Chùa Dơi tại Tp.Sóc Trăng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của chùa, quan sát của hàng nghìn con Dơi quạ treo mình trên các tán cây cổ thụ, mà còn được lắng nghe những âm thanh vui tươi, rộn rã, sôi nổi của dàn nhạc Ngũ âm hay du dương, trầm bổng, sâu lắng của dàn Nhạc cổ. Chùa Dơi là một trong số ít ngôi chùa tại Sóc Trăng còn lưu giữ trọn vẹn 02 dàn nhạc dân tộc truyền thống của người Khmer là Pin Piết (Ngũ âm) và Kh’sear (Nhạc dây). Đây là 02 bộ nhạc cụ quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no,…thể hiện nét đẹp văn hóa, giàu tính nghệ thuật truyền thống.
          Mỗi bộ nhạc cụ được phân thành nhiều bộ phận với từng tên gọi, chức năng khác nhau và được thiết kế rất tinh xảo mà khi sử dụng không thể tách rời ra từng nhạc cụ vì như vậy sẽ làm mất đi sự phối âm hoàn chỉnh của nó. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là khi hòa tấu thì một số nhạc cụ trong 02 dàn nhạc này vẫn có thể kết hợp với nhau tạo thành những âm thanh rất hấp dẫn.
          Dàn nhạc Pin Piết (Ngũ âm) có 07 nhạc cụ gồm: 02 dàn cồng Cuông-tuôch và Cuông-thôm (chất liệu đồng), Rôniêt-ek và Rô-neat-thung (chất liệu gỗ), Rô-niêt-dek (chất liệu sắt), 02 trống Sampo được bịt bằng da bò và cuối cùng là kèn Srôlay pin piết được làm bằng tre hoặc gỗ quý. Đối với dàn nhạc Kh’sear (Nhạc dây) gồm có: Truô sô (đàn Cò), Truô nguôk (đàn Gáo), Skôr (Trống), Khưm tuôch (đàn bán Nguyệt nhỏ), Khưm thum (đàn bán Nguyệt lớn), Ch’hưng (Chập chã) và cùng một số nhạc cụ khác.
          Đặc biệt, ở các nghệ nhân là họ có thể sử dụng 02 bộ nhạc để hòa tấu theo các bản nhạc của người Kinh, Khmer, Hoa và kể cả một số bài nhạc quốc tế. Theo quy định của chùa thì dàn nhạc Pin Piết (Ngũ âm) và Kh’sear (Nhạc dây) chỉ được sử dụng vào những dịp lễ hội. Ngày nay do nhu cầu phục vụ du khách nhà chùa đã mở rộng phạm vi sử dụng hơn. Du khách có thể đến chùa vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và ngày 15, 30 âl hàng tháng, để trực tiếp thưởng thức phần biểu diễn âm nhạc và tìm hiểu thêm về 02 bộ nhạc cụ độc đáo này./.
Nguyễn Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét