Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Hướng dẫn đoàn làm phim HTV7 thực hiện phóng sự quảng bá du lịch Sóc Trăng.




Ngày 6 – 7/10/2012, Đoàn làm phim của chương trình Năng động Du lịch Việt trên kênh HTV7 do ông Lê Bạch Đằng làm trưởng nhóm biên tập đã đến Sóc Trăng để thực hiện một số tin, bài, phóng sự quảng bá tiềm năng du lịch Sóc Trăng, các nội dung tập trung gồm:
- Giới thiệu 03 đặc sản Sóc Trăng lọt vào top danh sách món ăn, quà bánh nổi tiếng Việt Nam.
- Hướng thu hút khách du lịch tại các ngôi chùa Khmer Sóc Trăng.
- Bảo tồn và phát huy kiến trúc các ngôi chùa Khmer cổ ở Sóc Trăng.
- Phòng trưng bày Văn hóa Khmer Sóc Trăng: Nơi bảo tồn nét văn hóa cổ của người Khmer Nam Bộ.
          Theo kế hoạch của Đoàn, Trung tâm TTXTDL Sóc Trăng đã cử chuyên viên hỗ trợ Đoàn trong quá trình quay các cảnh phim để chuẩn bị và thực hiện cho các bản tin, phóng sự về du lịch Sóc Trăng tại một số điểm như: Chùa Dơi, chùa Chén Kiểu, chùa Kh’leang, Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer, điểm dừng chân Tân Huê Viên, bánh cóng Đại Tâm, bún nước lèo Mỹ Xuyên.
          Đây là lần thứ hai đoàn làm phim của chương trình Năng động Du lịch Việt trên kênh HTV7 đến Sóc Trăng thực hiện ghi hình các bản tin, phóng sự. Điều này chứng tỏ rằng du lịch Sóc Trăng đang dần phát triển và thu hút được nhiều sự quan tâm từ các kênh truyền thông, chương trình truyền hình chuyên quảng bá, giới thiệu về các điểm đến du lịch.
          Hy vọng rằng với những tiềm năng và thế mạnh sẵn có, du lịch Sóc Trăng sẽ ngày càng phát triển ngang tầm với các tỉnh trong và ngoài khu vực, từ đó thu hút thêm nhiều du khách đến với Sóc Trăng./.  
            Nguyễn Dũng


Cá bống sao – Đặc sản Cù Lao Dung, Sóc Trăng



          Huyện Cù Lao Dung là một huyện cù lao dài khoảng 40km chạy dọc trên sông Hậu đổ ra biển, càng về cuối càng nở phình ra để tạo thành 02 cửa sông lớn: Trần Đề và Định An – những cửa ngõ chính đi vào vùng sông nước Tây Nam Bộ. Ấp Võ Thành Văn, xã An Thạnh Nam là ấp nằm cuối cùng của huyện Cù Lao Dung, tiếp giáp với biển Đông, nơi có diện tích rừng bần ngặp mặn ven biển lớn nhất huyện. Đồng thời, là dự án du lịch sinh thái đang được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư.
          Hệ thống rừng Bần phòng hộ của huyện là nơi sinh sống của rất nhiều loài đặc trưng cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển như: cá thòi lòi, cá bống sao, cua, ba khía, ốc,… Đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào được người dân khai thác để duy trì cuộc sống hàng ngày. Cũng chính từ những nguyên liệu gần gũi đó mà cư dân vùng cù lao đã tạo ra những món ăn đặc sản dân dã mang đậm hương vị phù sa mà ít nơi nào có được. Trong đó, cá bống sao là món ăn được nhiều người ưa thích nhất.
          Da cá lấm tấm những chấm trắng li ti như những ngôi sao trên bầu trời, có lẽ vì thế mà người ta gọi là cá bống sao. Cá thường đào hang sinh sống tại những vùng đất bãi bồi ven sông, biển. Hang của chúng sâu trong bùn và có rất nhiều ngóc ngách.
          Thịt cá bống sao màu hồng, dai và săn chắc. Món được chế biến từ loại cá này được nhiều người ưa thích nhất là kho tiêu, kho khô hay “kho chồn”. Ngoài các gia vị thường dùng thì hai loại gia vị không thể thiếu khi kho cá là sả, ớt để khử mùi tanh, đồng thời tạo mùi thơm và tăng cường độ ngon của cá. Cá bống sao “kho chồn” ngon là nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị đắng, bùi của gan cá, cộng với mùi cay, nồng của sả, ớt tạo nên hương vị khó quên.
Bên cạnh đặc sản cá bống sao, vùng đất Cù Lao Dung còn có nhiều món ăn đặc sản dân dã khác như: ba khía luộc chấm cơm mẻ, cá ngát hay cá bông lau nấu bần, vọp nướng mọi, ốc len xào dừa, cua biển hấp hành, cá kèo nướng muối ớt, cá chẻm nấu khoai môn, rắn nước, cá thòi lòi  nướng trui,…
            Cá bống sao là món ăn mang đậm nét dân dã của người dân Cù Lao Dung nói riêng và Nam Bộ nói chung. Tuy không phải là cao lương mỹ vị, nhưng những ai đã ăn thử một lần, có lẽ sẽ khó mà quên được cái hương vị đặc trưng ấy./.
Nguyễn Dũng


CHÙA TẦM VU


 
Chùa Tầm Vu, có tên gọi theo phiên dịch tiếng Khmer là Prêk Om Pu. Chùa toạ lạc ấp Hưng Thới, xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng.
Theo tư liệu của chùa ghi lại, Chùa Tầm Vu được xây dựng từ năm 1664 bằng vật liệu tre, lá đơn sơ. Năm 1811 chùa dời đến địa điểm mới cách địa điểm cũ 500m. Đến năm 1954 được sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng với sự đóng góp tiền của và công sức của bà con phum sóc nơi đây, Hòa thượng Châu Mum đã cho xây dựng lại ngôi chùa, nhưng do chiến tranh và kinh phí hạn hẹp nên mãi đến năm 1977 chùa mới khánh thành.
Chùa Tầm Vu có diện tích 33.961,9 m2. Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa bao gồm: cổng chùa, đường nội bộ, sân, chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, thư viện, trại để ghe ngo, lò thiêu, tháp để tro cốt, hàng cây cổ thụ xung quanh chùa,… Gần 350 năm hình thành và phát triển, Chùa Tầm Vu đã trải qua 15 đời trụ trì.
Chùa nằm dọc theo sông Hưng Thới, cổng chùa quay mặt ra hướng Bắc. Cổng có hai cột vuông đỡ lấy bảng tên chùa được làm bằng xi măng ở phía trên. Chính giữa cổng chùa đắp hình tượng hai vị sư đang đỡ một vòng tròn đặt trên một cái lư, vòng tròn này được mô phỏng theo bánh xe luân hồi của đạo Phật, có 8 cánh đại diện cho 8 hướng với ý muốn: Phật pháp lan toả và thấm nhuần khắp 8 phương. Bên dưới vòng tròn là dòng chữ đắp nổi ghi tên chùa bằng chữ Khmer Prêk Om Pu (Tầm Vu). Ngoài cửa chính của chùa còn có 2 cửa phụ. Cổng và hàng rào được trang trí bởi họa tiết hoa văn Khmer. Phía trên cổng chùa được điêu khắc trang trí hình tượng rồng quen thuộc như các chùa Khmer khác.
Bước qua cổng chùa, ta nhìn thấy mỗi bên là hai tháp để tro cốt, trong đó có tháp đựng tro cốt của Hoà thượng Châu Mum nằm phía bên phải tính từ cổng chùa vào, ông là một vị sư đã có công rất lớn trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ. Đi khoảng 20 mét là cột cờ nằm ở giữa khuôn viên chùa, phía bên trái cột cờ là ngôi chánh điện.
Chánh điện quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xoay theo hướng Đông để hợp với hướng tượng thờ trong chánh điện. Ngôi chánh điện được xây dựng trên hai cấp, nền cao hơn hẳn các công trình kiến trúc khác trong khuôn viên chùa. Quanh cấp nền thấp của ngôi chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có hai lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật.
Chùa Tầm Vu là một công trình nghệ thuật kiến trúc có giá trị thẩm mỹ với quần thể nghệ thuật kiến trúc truyền thống Khmer Nam bộ nhưng có một số nét khác biệt với những ngôi chùa Khmer thông thường ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Đó là ngôi chánh điện được xây theo kết cấu 2 tầng (một trệt, một lầu). Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 03 ngọn tháp bằng nhau nằm dọc theo chiều dài chánh điện, chiều cao của mỗi tháp khoảng 5m, đáy rộng 3m.
Trước cổng đi vào tầng trệt có 5 cây cột. Trong tầng trệt không có trang trí hoa văn. Được xây dựng đơn sơ, chủ yếu là trụ cột để chống đỡ cho tầng trên của ngôi chánh điện. Bên trong tầng trệt có 6 hàng cột tròn (2 hàng cột nằm chính giữa mỗi hàng có 10 cột nằm theo hàng dọc, tương tự 4 hàng còn lại ở hai bên mỗi hàng có 8 cột). Bên trong đặt chiếc ghe Ngo độc mộc có từ năm 1962. Tầng trệt trước đây là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và bà con phật tử mỗi khi giặc đàn áp, truy bắt những người tham gia cách mạng.
Ở tầng lầu mỗi bên chánh điện có 05 cửa sổ bằng gỗ rộng 1.2m x 1.6m và hai cửa ra vào rộng 1.2m x 2.4m. Trên mỗi cửa sổ và cửa ra vào đều có trang trí hoa văn khmer đắp nổi bằng xi măng. Bên trong chánh điện, nền được lát gạch bông, dọc theo chiều dài là hai hàng cột tròn, mỗi hàng gồm 5 cột. Hai gian trong cùng đặt bệ thờ cao 1.3m, rộng 2.2m x 03m thờ Phật Thích Ca. Ở trung tâm bệ là một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá cao khoảng 1,5m được đặt trên bệ cao khoảng 1m. Trên bệ thờ Phật có hai cây cột tròn vẽ hình rồng. Xung quanh tường ngôi chánh điện được vẽ tranh sơn dầu ở hai mặt nói về truyền thuyết Phật Thích Ca từ lúc sinh ra cho đến khi nhập cõi niết bàn. Trần ngôi chánh điện trang trí hoa văn Khmer có độ cao 4m.
Chùa Tầm Vu là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo thể hiện đặc trưng vốn văn hoá truyền thống của người Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngoài chức năng thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, chùa còn đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của người dân Khmer trong vùng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Tầm Vu vừa là một cơ sở nuôi chứa cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai. Chùa cũng là cái nôi nuôi dưỡng và sản sinh ra những chiến sĩ cách mạng kiên trung, suốt đời đấu tranh không mệt mỏi để giải phóng quê hương đất nước như: đồng chí Huỳnh Cương, Trịnh Thới Cang, Lưu Văn Đê, Trương Văn Mạnh (Bảy Hòa), Sáu Châu, Tám Khem, Ba Nhất,…
Trong cuộc đấu tranh gian khổ ác liệt ấy, sư sãi nhà chùa cùng bà con phật tử nơi đây đã đoàn kết một lòng theo Đảng, đùm bọc, che chở, nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng và tham gia phong trào kháng chiến với ý chí dũng cảm kiên cường làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Mặc dù kẻ thù luôn có âm mưu đàn áp phong trào cách mạng và tìm mọi cách bắt giữ những chiến sĩ cách mạng, nhưng sư sãi và bà con phật tử vẫn kiên trì đấu tranh, biểu tình chống bắt lính; đồng thời để bảo vệ phum sóc và ngôi chùa, quyết tâm tìm đủ mọi cách để giúp đỡ cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Có thể nói, chùa Tầm Vu là một trong những ngôi chùa có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo nên chiến thắng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của quê hương Sóc Trăng. Đồng thời, giáo dục truyền thống cách mạng hào hùng đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
 Với những giá trị về văn hoá, lịch sử và đặc biệt là công lao đóng góp của Hoà thượng Châu Mum cùng sư sãi và bà con phật tử cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 29/8/2012 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có  Quyết định số 372/QĐTC-CTUBND công nhận chùa Tầm Vu là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.
Nguyễn Dũng
* Tài liệu tham khảo:
1/ Bản Báo công về thành tích của Hoà thượng Châu Mum trong quá trình trụ trì tại chùa Tầm Vu.
2/ Bút tích, tài liệu ghi chép lại của chùa Tầm Vu.
3/ Đại đức Triệu Ươl - Đại đức trụ trì chùa Tầm Vu.

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Thông báo kết luận của Bộ trưởng Hoàng Anh Tuấn tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch.



 Ngày 6/9/2012 Bộ VHTTDL đã có văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh tại Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc về du lịch diễn ra ngày 28/8/2012, với 07 vấn đề cơ bản về du lịch như sau:
1. Song song với sự tăng trưởng về số lượng khách du lịch, du lịch Việt Nam cần tập trung hướng tới chất lượng, chiều sâu, tính chuyên nghiệp và hiệu quả:
Các Bộ, ngành chức năng, đặc biệt là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai đồng bộ, hiệu quả, liên kết, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các tỉnh/thành cần rà soát quy hoạch, định hướng phát triển, tiềm năng, thế mạnh du lịch, tái xác định sản phẩm đặc trưng, nguồn lực, công tác quảng bá xúc tiến, đào tạo nhân lực, khả năng liên kết phát triển, lộ trình thích hợp trên cơ sở Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, quy hoạch phát triển du lịch vùng.
Tổng cục Du lịch tổng hợp, tập trung nghiên cứu các cơ chế chính sách, đề án thúc đẩy sự phát triển du lịch theo hướng chiều sâu, chuyên nghiệp, tập trung cho chương trình quản lý chất lượng du lịch, làm rõ các ưu tiên, hạn chế.
          2. Về kế hoạch 02 năm xây dựng đủ hệ thống nhà vệ sinh đạt yêu cầu chất lượng phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, trên các tuyến du lịch:
          Tập trung xoá trắng các khu, điểm du lịch, các tuyến du lịch không có nhà vệ sinh; nâng cấp, hoàn thiện các nhà vệ sinh công cộng tại các khu du lịch lớn, khu, điểm du lịch quốc gia, điểm chốt trên các tuyến du lịch quốc gia.
Các tỉnh/thành xây dựng kế hoạch, cơ chế chính sách, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ đầu tư thực hiện việc xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống nhà vệ sinh công cộng đạt yêu cầu chất lượng phục vụ.
Tổng cục Du lịch định kỳ tổng hợp, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xây dựng hệ thống nhà vệ sinh đạt yêu cầu chất lượng phục vụ khách du lịch, kịp thời phối hợp tháo gỡ vướng mắc của các địa phương (nếu có) theo thẩm quyền.
3. Khống chế, từng bước đẩy lùi có hiệu quả tình trạng mất an ninh, trật tự tại các khu, điểm, tuyến du lịch:
Các tỉnh/thành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, có giải pháp khắc phục tính mùa vụ của du lịch, đặc biệt đối với các tỉnh khu vực phía Bắc. Tăng cường sự chỉ đạo liên ngành, nghiên cứu, xây dựng mô hình phù hợp tiến hành ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mất trật tự, an toàn tại các khu, điểm, tuyến du lịch, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.
Các tỉnh/thành tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các khu, điểm, tuyến du lịch, đặc biệt trong các ngày nghỉ lễ, mùa du lịch.
Tổng cục Du lịch tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng những sáng kiến, mô hình, giải pháp thực hiện hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách để kịp thời tuyên truyền, nhân rộng tại các địa phương.
Thanh tra Bộ chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời chỉ đạo Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi vi phạm các quy định về kinh doanh, các hoạt động du lịch tại các địa phương.
4. Kế hoạch phát triển, nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch các tỉnh/thành cả nước:
          Đây là điểm mấu chốt góp phần hình thành chất lượng sản phẩm du lịch, là trách nhiệm của cơ quan quản lý, đồng thời là trọng tâm ưu tiên của các doanh nghiệp du lịch.
Các tỉnh/thành, đặc biệt là các địa phương trọng điểm du lịch căn cứ Quy hoạch nhân lực nhóm ngành du lịch đến năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, xây dựng và triển khai quy hoạch, kế hoạch phát triển nhân lực du lịch của địa phương, tập trung triển khai có lộ trình, phù hợp theo đặc thù, yêu cầu của địa phương, chú ý tính thực tế và liên kết trong đào tạo nhân lực.
5. Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thống kê du lịch:
Tổng cục Thống kê phối hợp liên ngành trong công tác điều tra, thống kê, đào tạo nhân lực thống kê du lịch.
Tổng cục Du lịch xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp, chế độ thông tin báo cáo định kỳ, đột xuất từ các kênh doanh nghiệp du lịch với Tổng cục Thống kê, phối hợp với Tổng cục Thống kê trong các đợt điều tra có liên quan.
          6. Về nâng cao hiệu quả của Năm Du lịch quốc gia:
Năm Du lịch quốc gia là cơ hội, thời cơ tập trung nâng cao nhận thức về du lịch, tập trung đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch của địa phương, vùng, tăng cường đầu tư hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch. Đề nghị các địa phương đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2014 đến 2017 khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng thể, đồng bộ từ hạ tầng, hoạt động để phát huy lợi thế, hiệu quả, tính liên kết, mục tiêu của Năm Du lịch quốc gia.
Tổng cục Du lịch tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ việc tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao hiệu quả Năm Du lịch quốc gia với lãnh đạo các tỉnh/thành, Bộ, ngành có liên quan để tập trung nguồn lực cho Năm Du lịch quốc gia.
7. Có cơ chế chính sách thu hút nguồn vốn, đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch:
Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì, phối hợp với Tổng cục Du lịch, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức giao ban 6 tháng/lần nhằm đánh giá hiện trạng và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát triển du lịch.
ND (Nguồn: Tổng cục du lich)


Khai mạc “Hội chợ Thương mại, Du lịch Việt Nam - Lào năm 2012”



 “Hội chợ Thương mại, Du lịch Việt Nam - Lào năm 2012” với chủ đề “Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào đoàn kết, hợp tác cùng phát triển” đã khai mạc vào tối ngày 10/9/2012 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Đến dự khai mạc có đại diện Sở Văn hóa, Thông tin và Du lịch; Sở Công thương của các tỉnh Phoong Xa Ly, U Đôm Xay, Luong Phrabang, Bo Kẹo, Luông Nậm Thà và Xay Nha Bu Ly của Bắc Lào.
          “Hội chợ Thương mại, Du lịch Việt Nam - Lào năm 2012” là một trong những hoạt động chào mừng “Năm đoàn kết hữu nghị hợp tác Việt - Lào” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao (05/9/1962) và 35 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt - Lào (18/7/1977). Tham gia hội chợ có trên 125 doanh nghiệp trong và ngoài nước với gần 300 gian hàng, trưng bày và bán các sản phẩm: điện, điện tử, công nghệ thông tin, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm, da giày, may mặc, các mặc hàng tiêu dùng thiết yếu,… Ngoài ra, tại hội chợ lần này, còn có sự góp mặt của các gian hàng giới thiệu một số sản phẩm đặc trưng của 02 dân tộc Việt Nam và Lào. Đây không chỉ là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm và tham quan mua sắm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp 02 nước Việt Nam – Lào tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng đầu tư và thị trường tiêu thụ sản phẩm.
            Phát biểu tại khai mạc Hội chợ, đồng chí Lê Thành Đô, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh xác định “Điện Biên là tỉnh duy nhất trong nước có đường biên giới với nước bạn Lào và Trung Quốc. Điện Biên có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng; có cửa khẩu quốc tế với Lào, có lối mở biên giới với Trung Quốc; tỉnh cũng có cảng hàng không nội địa, quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ,… là những lợi thế để phát triển thương mại, du lịch với các tỉnh Bắc Lào, Đông Bắc Myanmar và Tây Nam Trung Quốc.
          “Hội chợ Thương mại, Du lịch Việt Nam - Lào năm 2012” có ý nghĩa rất quan trọng; nhằm giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế - văn hóa - du lịch của tỉnh Điện Biên và các tỉnh Bắc Lào; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, mở ra triển vọng tốt đẹp nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của 02 bên; góp phần tô thắm mối quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt giữa 02 Đảng, nhà nước và nhân dân 02 nước Việt Nam - Lào. Hội chợ sẽ diễn ra hết ngày 18/9/2012./.
ND(nguồn: Tổng cục Du lịch)

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Tiếp và làm việc với đoàn làm phim HTV7 V/v quảng bá tiềm năng Du lịch Sóc Trăng



Ngày 23–24/8/2012, Ông Trịnh Công Lý, Giám đốc Trung tâm TTXTDL đã có buổi tiếp và làm việc cùng với nhóm biên tập viên chương trình Năng động Du lịch Việt trên kênh HTV7 do bà Nguyễn Kim Ngân làm trưởng nhóm. Cùng tham dự cuộc trao đổi còn có bà Lý Thị Phương – Trưởng phòng TTXTDL và một số cán bộ chuyên viên của Trung tâm.
Bà Nguyễn Kim Ngân, đại diện nhóm phóng viên, biên tập chương trình đã trình bày yêu cầu của đoàn về việc thực hiện một số tin, bài, phóng sự quảng bá tiềm năng du lịch Sóc Trăng qua các sự kiện như:
- Sóc Trăng tổ chức ngày hội Văn hóa – Thể thao ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần thứ VI năm 2012.
- Sóc Trăng kêu gọi đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái rừng bần ngập mặn ven biển thuộc xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung.
- Tài nguyên du lịch Sóc Trăng đang dần được khai thác đầu tư.
- Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xúc tiến quảng bá du lịch Sóc Trăng từ nay đến 2015.
- Sóc Trăng xây dựng khu lâm viên giữa lòng thành phố.
Lãnh đạo và cán bộ Trung tâm TTXTDL đã hỗ trợ Đoàn trong quá trình chuẩn bị và thực hiện các bản tin, phóng sự như cung cấp tài liệu, kế hoạch công tác xúc tiến quảng bá du lịch trong những giai đoạn tiếp theo; giới thiệu về các lễ hội văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Khmer tại Sóc Trăng; liên hệ với đơn vị quản lý dự án các khu du lịch của tỉnh,…
Khi phóng sự tài liệu này được phát sóng sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, điểm đến và tiềm năng du lịch của địa phương; thu hút ngày càng nhiều du khách trong và ngoài nước đến Sóc Trăng./.

Nguyễn Dũng

Hợp tác du lịch Việt Nam – Lào


         
Trong những năm qua, việc hợp tác du lịch Việt Nam – Lào đã có những bước phát triển vượt bậc thông qua các chương trình du lịch liên kết giữa hai nước với các quốc gia trên hành lang Kinh tế Đông Tây. Nguồn khách du lịch từ Việt Nam sang Lào và ngược lại đang ngày càng tăng lên bởi sự thu hút của những cảnh quan thiên nhiên quyến rũ, hoang sơ và văn hóa bản địa đặc sắc của cả hai quốc gia.
Quan hệ hợp tác du lịch giữa hai nước Việt Nam – Lào chính thức được thiết lập cách đây 21 năm đánh dấu bằng việc ký Hiệp định hợp tác du lịch song phương 1991. Cơ quan du lịch quốc gia hai nước thường xuyên trao đổi kinh nghiệm về xây dựng văn bản pháp luật, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, liên kết phát triển sản phẩm và quảng bá du lịch. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam mở chi nhánh và văn phòng đại diện du lịch tại Lào. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại giữa hai quốc gia, Chính phủ hai nước đã miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam và Lào mang hộ chiếu phổ thông khi đi du lịch từ ngày 01/7/2004; thỏa thuận về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc khuyến khích hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước từ ngày 14/9/2007.
Từ năm 2005, ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia liên tục kết hợp tổ chức quảng bá tại hội chợ du lịch quốc tế thành phố Hồ Chí Minh (ITE HCM). Theo thống kê năm 2011, trao đổi khách du lịch giữa hai nước đạt trên 680.081 lượt, trong đó khách du lịch Việt Nam đến Lào đạt 561.586 lượt khách và khách du lịch Lào đến Việt Nam đạt 118.495 lượt. Bên cạnh hợp tác du lịch song phương, hai quốc gia còn hợp tác chặt chẽ trong các tổ chức, diễn đàn khu vực như ASEAN, GMS (Greater Mekong Subregion – Tổ chức các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong mở rộng).
Đặt biệt, năm 2012, Chính phủ đã chọn làm năm “Đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào” nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao (05/9/1962) và 35 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị hợp tác Việt – Lào (18/7/1977). Từ đó, sẽ góp phần vào việc cũng cố và tăng cường mối quan hệ hòa bình, hữu nghị và hợp tác kinh tế về mọi mặt giữa hai quốc gia.
Việt Nam – Lào có cơ hội rất tốt để khai thác vị trí địa lý, tiềm năng và lợi thế của mình nhằm bổ sung cho nhau cùng phát triển. Việt Nam với thế mạnh về kinh tế và vận tải biển, có thể phát huy vai trò là cửa ngõ ngắn nhất ra biển tạo điều kiện cho Lào giao thương với các nước khu vực và quốc tế. Tương tự như vậy, với vị trí là trạm trung chuyển trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, có lợi về vận tải và thương mại, Lào có thể giúp Việt Nam mở rộng thị thường vào nội địa Đông Nam Á, Châu Á.
Với những điều kiện rất thuận lợi, nỗ lực và quyết tâm của ngành Du lịch hai nước, tin tưởng rằng sự hợp tác du lịch giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vun đắp tình hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Chính phủ và nhân dân hai nước./. 

ND-Biên tập từ(http//:www.vietnamtourism.gov.vn)

Phục vụ nhạc dân tộc tại điểm tham quan chùa Dơi Sóc Trăng



         
Đến tham quan Chùa Dơi tại Tp.Sóc Trăng, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng lối kiến trúc độc đáo của chùa, quan sát của hàng nghìn con Dơi quạ treo mình trên các tán cây cổ thụ, mà còn được lắng nghe những âm thanh vui tươi, rộn rã, sôi nổi của dàn nhạc Ngũ âm hay du dương, trầm bổng, sâu lắng của dàn Nhạc cổ. Chùa Dơi là một trong số ít ngôi chùa tại Sóc Trăng còn lưu giữ trọn vẹn 02 dàn nhạc dân tộc truyền thống của người Khmer là Pin Piết (Ngũ âm) và Kh’sear (Nhạc dây). Đây là 02 bộ nhạc cụ quý báu, là biểu tượng của sự vui tươi, sung túc, ấm no,…thể hiện nét đẹp văn hóa, giàu tính nghệ thuật truyền thống.
          Mỗi bộ nhạc cụ được phân thành nhiều bộ phận với từng tên gọi, chức năng khác nhau và được thiết kế rất tinh xảo mà khi sử dụng không thể tách rời ra từng nhạc cụ vì như vậy sẽ làm mất đi sự phối âm hoàn chỉnh của nó. Tuy nhiên, có một điểm đặc biệt là khi hòa tấu thì một số nhạc cụ trong 02 dàn nhạc này vẫn có thể kết hợp với nhau tạo thành những âm thanh rất hấp dẫn.
          Dàn nhạc Pin Piết (Ngũ âm) có 07 nhạc cụ gồm: 02 dàn cồng Cuông-tuôch và Cuông-thôm (chất liệu đồng), Rôniêt-ek và Rô-neat-thung (chất liệu gỗ), Rô-niêt-dek (chất liệu sắt), 02 trống Sampo được bịt bằng da bò và cuối cùng là kèn Srôlay pin piết được làm bằng tre hoặc gỗ quý. Đối với dàn nhạc Kh’sear (Nhạc dây) gồm có: Truô sô (đàn Cò), Truô nguôk (đàn Gáo), Skôr (Trống), Khưm tuôch (đàn bán Nguyệt nhỏ), Khưm thum (đàn bán Nguyệt lớn), Ch’hưng (Chập chã) và cùng một số nhạc cụ khác.
          Đặc biệt, ở các nghệ nhân là họ có thể sử dụng 02 bộ nhạc để hòa tấu theo các bản nhạc của người Kinh, Khmer, Hoa và kể cả một số bài nhạc quốc tế. Theo quy định của chùa thì dàn nhạc Pin Piết (Ngũ âm) và Kh’sear (Nhạc dây) chỉ được sử dụng vào những dịp lễ hội. Ngày nay do nhu cầu phục vụ du khách nhà chùa đã mở rộng phạm vi sử dụng hơn. Du khách có thể đến chùa vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hàng tuần và ngày 15, 30 âl hàng tháng, để trực tiếp thưởng thức phần biểu diễn âm nhạc và tìm hiểu thêm về 02 bộ nhạc cụ độc đáo này./.
Nguyễn Dũng

Mitting kỷ niệm 122 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh



Để tưởng nhớ đến công lao hy sinh to lớn của Bác, vào ngày 19/05 hàng năm Đảng, Nhà nước đều tổ chức những hoạt động mitting kỷ niệm tưởng nhớ đến Bác. Hòa cùng không khí chung của cả đất nước, năm nay ở xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng cũng đã diễn ra những hoạt động kỷ niệm 122 năm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân ở tất cả các ấp, xã và các em học sinh nô nức tập trung về Đền thờ Bác với những mâm xôi, trái cây cùng những nhánh hoa tươi thắm dâng lên Bác. Đúng 07h30 nghi thức mitting chính thức được tiến hành. Dẫn đầu đoàn người tiến vào Đền thờ là 06 chiến sĩ bộ đội cụ Hồ trong tư thế cúi đầu nghiêm trang dâng 03 vòng hoa lên Bác, được đặt trang trọng ngay trung tâm Đền thờ thể hiện lòng thành kính và tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ, người Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Tiếp đó, các đồng chí lãnh đạo, các bậc lão thành cách mạng, các em học sinh – những thế hệ tương lai của đất nước và hàng nghìn người dân tiến vào thắp hương tưởng niệm Bác.
Mitting kỷ niệm 122 năm ngày sinh của Bác năm nay cùng ngày với huyện Cù Lao Dung kỷ niệm 10 năm thành lập và danh dự được đón nhận Huân chương lao động hạng ba, nên được tổ chức với quy mô lớn, không khí rất nghiêm trang, có sự tham dự của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng nhiều đồng chí thuộc một số các cấp lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể và các huyện.
Bên cạnh đó, việc xây dựng mới đền thờ Bác cũng đang trong giai đoạn khẩn trương hoàn thành. Đền xây dựng theo kiểu 3 gian 2 mái, theo phong cách nhà thuần Việt với diện tích gần 6.700m2. Bao gồm các hạng mục như: đền chính, cổng chính, nhà lưu niệm, sân lễ, công trình cây xanh, điện, nước,… Đền được bố trí trên ý tưởng hoa sen cách điệu, lấy đền chính làm trung tâm hoa sen, 2 bên tả, hữu là 2 ao sen. Phía trước có sân rộng là nơi sinh hoạt cho thanh, thiếu niên, các hoạt động về nguồn, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Tổng kinh phí xây dựng trên 16 tỷ, trích từ ngân sách nhà nước và một phần vận động nhân dân trong tỉnh.

Thanh Dũng

Kết quả tổng hợp nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú và ăn uống trong tỉnh Sóc Trăng



Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Sóc Trăng, Trung tâm TTXTDL đã lập bảng khảo sát gửi đến 20 doanh nghiệp điển hình gồm 18 khách sạn và 02 nhà hàng trong TP.Sóc Trăng nhằm nghiên cứu tiếp nhận ý kiến đóng góp, đề xuất nhu cầu đào tạo nhân lực năm 2013 và những năm tiếp theo. Các doanh nghiệp đã phản hồi, kết quả tổng hợp như sau:
- Đào tạo cấp quản lý ở mức độ rất cần thiết chiếm 43,7% và đào tạo cấp nhân viên ở mức độ rất cần thiết và cần thiết đạt tỷ lệ 50% trên tổng số phiếu thu vào.
- Nhu cầu của các doanh nghiệp về việc mở các lớp đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn chiếm số phiếu cao nhất là: Lớp nghiệp vụ lễ tân chiếm 68,7%, lớp quản lý nhà hàng – khách sạn chiếm 62,5% trên tổng số phiếu thu vào.
          - Về thời gian đào tạo thích hợp cho một số lớp nghiệp vụ, các doanh nghiệp chủ yếu chọn vào 06 tháng đầu năm 2013 và chiếm 62,5% trên tổng số phiếu thu vào.
          - Về mục tiêu đào tạo của các doanh nghiệp nhằm chủ yếu rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn cho cấp nhân viên chiếm 81,2% và kỹ năng quản lý chiếm 50% trên tổng số phiếu thu vào.
          Với kết quả khảo sát thu được như trên, Trung tâm TTXTDL sẽ lập kế hoạch phù hợp với nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh. Trong năm 2013, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch sẽ xin ý kiến Sở VHTTDL  mở một số lớp nghiệp vụ ngắn hạn như:
          - Nghiệp vụ phòng.
          - Nghiệp vụ quản lý khách sạn vừa và nhỏ.
          - Nghiệp vụ pha chế.
          - Nghiệp vụ lễ tân./.

Nguyễn Dũng

“Ngày hội Văn hóa – Thể thao” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI – 2012


Hướng tới chào mừng kỷ niệm 67 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 -  19/8/2012), Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2012) và 67 năm ngày thành lập ngành Văn hóa Thông tin (28/8/1945 – 28/8/2012). Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng vừa ký ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày hội Văn hóa – Thể thao” ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng lần thứ VI – 2012.
Theo kế hoạch Ngày Hội sẽ được diễn ra vào 02 ngày là 24 – 25/8/2012 (thứ sáu và thứ bảy) với nhiều nội dung thi đấu gồm:
- Thi đấu thể thao: Bóng đá mini, Bi sắt, Cầu lông, Quần vợt, Bida.
- Trò chơi dân gian: Trò chơi liên hoàn, thi cờ carô, nhảy dây tập thể.
- Thi hát Karaoke.
- Thi cắt dán.
Đối tượng tham gia Hội thao là tất cả các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên là đoàn viên Công đoàn, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội viên Hội Cựu chiến binh hiện công tác tại các phòng, đơn vị trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn hóa; Trung tâm Thể dục Thể thao của các huyện, thị xã, thành phố.
Trung tâm TTXTDL đã triển khai kế hoạch của Sở, lập danh sách đăng ký tham dự một số môn thi đấu như: Bi sắt, Cầu lông, Quần vợt, Cờ carô, thi cắt dán, hát karaoke,…
“Ngày hội Văn hóa – Thể thao” được tổ chức hàng năm còn là một hoạt động tích cực để hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại”. Đây cũng là dịp để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành giao lưu, trao đổi, học tập trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; góp phần rèn luyện nâng cao sức khỏe, tăng cường thể lực, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, nhằm phục vụ tích cực cho việc học tập lao động và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao./.

Nguyễn Dũng

Hấp dẫn những món ngon từ cua đồng Nam Bộ


             Trên ruộng đồng Nam Bộ, khi ruộng lúa bắt đầu lên xanh mơn mởn, sau những trận mưa lớn xuất hiện nhiều Cua đồng. Cua đồng sinh sản quanh năm, cua con nở rộ vào khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch và làm hang ở các bờ ruộng, rãnh cày. Cua cái nhỏ hơn cua đực, nhưng số lượng nhiều hơn.
Chế biến cua đồng đơn giản nhất là cho vào nồi luộc, chấm nước mắm tỏi ớt kẹp lát bần chua ăn chơi. Một cách khác là rửa sạch, chặt bỏ ngoe, xào mặn với tóp mỡ ăn cơm cũng rất ngon miệng. Cua đồng nướng than hồng hay rang với chút muối, mỡ cũng rất được bọn trẻ ưa thích. Món canh chua cua đồng khá phổ biến với người Nam Bộ. Cua rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước, nêm gia vị, nấu sôi cùng rau nhút. Gạch cua chưng riêng với trứng, màu vàng ươm thơm phức, múc chan lên trên tô bún cua rau nhút nóng hổi. Rồi còn món canh Cua nấu với rau ngót, rau sam, rau đay, hoa thiên lý,...            
 Nấu bánh canh cua thì công phu ở chỗ xay bột gạo ngon, xắt miếng, cho vào thau nước lạnh rồi vớt ra để ráo. Cua đồng gỡ lấy gạch để riêng, thịt vỏ đâm nhuyễn, pha nước lạnh, vắt lọc bỏ xác. Khi nồi nước sôi, cho tất cả vào, nêm gia vị, múc ra tô, rắc hành tiêu cho thơm. Có người thích cho thêm nước cốt dừa tăng vị béo. Ăn tô bánh canh cua đồng bột xắt, thấm thía, cảm nhận khó quên cái màu trắng đục như sữa tan ra từ bột vụn, qua bàn tay ân cần của người mẹ, người chị chân quê.
Cua đồng còn làm được nhiều loại mắm. Mắm cua tươi ăn liền thì giã nhuyễn, rưới nước lạnh vào lược kỹ, cho ít muối, đun sôi cùng vài lát gừng, ớt, măng tươi. Ăn với cơm hay bún, rau thơm, rau luộc. Mắm cua chua thì để được lâu ngày hơn. Cua rửa sạch, giã nhuyễn lọc lấy nước, nêm muối vừa ăn, cho vào chai thủy tinh, đậy nắp đem phơi chừng ba nắng tốt. Mùa mưa thì để chai cạnh bếp lửa, sau một tuần là dùng được. Có nơi cho nước cua vào hũ sành đậy kín, để ăn dần cả tuần lễ. Nếu chịu khó vài hôm dùng đũa bếp khuấy đều sẽ để được vài tháng không ngả mùi. Mắm cua chua kho cá đồng mới thật hết ý. Cá lóc nướng sơ qua cho vào ơ đất, đổ nước mắm cua xăm xắp cùng vài lát gừng, ớt, chụm lửa riu riu. Các vị mặn, ngọt, thơm, nồng hòa quyện cùng nồi cơm gạo mới, ăn đến đã thèm./.
(TD – biên tập lại từ http://amthuc- baomoi.com)

Cháo trắng - cá Bống kho


Nếu ăn để lấy no,chắc hẳn món cháo không phải là lựa chọn tốt nhất. Nhưng để lót dạ lúc về đêm, cháo lại là sự lựa chọn hoàn hảo. Bởi trước khi đi ngủ, ăn cháo vừa nhẹ bụng lại không mất nhiều thời gian. Đặc biệt là món cháo trắng.
          Nguyên liệu chính để nấu cháo là gạo và nước. Để có nồi cháo có độ sánh vừa phải, thường thì thể tích nước phải hơn gấp 3 lần thể tích gạo và một cái nồi chỉ dành cho việc nấu cháo. Bắt đầu nấu thì cần ngọn lửa rực đủ mạnh để hạt gạo trong nước sôi nở bung ra, rồi những ngọn để liu riu và gom góp hơi nóng đều đều cho hạt gạo được chín nhừ, nấu càng lâu thì cháo càng đặc, hầm vừa phải đến khi hạt gạo nở bung trong làn nước đục ngà của tinh chất từ hạt gạo.
Cá bống kho
Một chén cháo trắng bình thường hình như chẳng có gì đặc sắc. Tất nhiên, cái hay của cháo trắng không đơn giản là thế. Bởi, ăn với món cháo đơn sơ này là vô vàn những thức ăn kèm hấp dẫn và dân dã. Nói là thức ăn kèm thôi, nhưng để chế biến thành công những món này cũng hết sức kỳ công và phức tạp.
Từ trước đến nay mọi người quen ăn cháo trắng kèm với hột vịt muối (trứng vịt muối mặn) hay hột vịt bắc thảo và nó như đã trở thành thói quen trong tâm thức của con người khi ngĩ về cháo trắng. Nhưng đâu ai biết được một điều rằng, ngoài hột vịt muối vẫn còn có những món ngon khác được ăn kèm với cháo trắng cũng không kém phần hấp dẫn và đôi khi lại vượt trội hơn hột vịt muối trong sự lựa chọn của người ăn. Trong những món ăn đó thì “cá bống kho tiêu” được xem là sự lựa chọn hàng đầu của thực khách.
Cá bống chọn đem kho thường là cá bống có kích cỡ nhỏ bằng đũa ăn, kho cá bống nghe thì đơn giản, nhưng đảo cá, thêm bớt lửa thế nào đều phụ thuộc vào tay nghề người chế biến. Nồi cá dậy mùi thơm, những con cá bống được kho cong, hòa với lớp nước kho màu vàng cánh gián, nhìn rất ngon mắt.
Gắp và cắn một miếng cá bống kho tiêu, húp một ngụm cháo trắng. Chúng ta sẽ cảm nhận được vị cay nồng của tiêu, vị mặn có hậu ngọt thanh, mùi thơm nhẹ và độ dai của cá hòa quyện cùng hương vị của hạt gạo đem lại cho thực khách một cảm giác khó quên.
Quán cháo trên đường Lê Lợi - Tp. Sóc Trăng không thuộc hạng cao sang, không gian có phần hơi hẹp nhưng với hương thơm ngào ngạt của bát cháo nóng hổi trong cái không gian hạn chế ấy lại tạo cho con người rất nhiều điều thú vị.

Nguyễn Dũng

Ngôi chùa trong đời sống của người Khmer


Đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL có hơn 1.3 triệu người, hiện đang cư trú xen kẻ cùng với người Kinh, Hoa và một số dân tộc khác, tập trung đông nhất ở các tỉnh: Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang. Là một dân tộc gắn với Phật giáo Nam tông nên trong các phum, sóc của người Khmer đều có chùa để người dân đến thực hiện các nghi lễ tôn giáo và sinh hoạt cộng đồng.
Ngôi chùa đối với người Khmer mang một tình cảm sâu sắc vì chùa là nơi thờ Phật, nơi lưu giữ hài cốt của tổ tiên và điều mong ước của con người đang sống là khi mất đi được nhập tịch vào chùa để sống cuộc đời Phật pháp. Mỗi ngôi chùa là một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu trong khuôn viên, ẩn mình dưới tán lá của những cây cổ thụ như: cây dầu, cây sao hay cây thốt nốt. Vì thế, ngôi chùa trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng, lưu giữ những giá trị văn hóa của người Khmer và là nơi các sư sãi sinh sống.
Chánh điện chùa Khl'eang
Có thể nói, lý tưởng sống truyền thống của người Khmer là đạo Phật, con người phải rèn luyện theo đạo pháp. Theo quy định chung, sư sãi phải tụng kinh ngày 3 lần: sáng, trưa và chiều. Còn phật tử mỗi tháng lên chùa tụng kinh 6 lần, nhất là vào các ngày 15, 30 âl hàng tháng. Thông thường ở mỗi sóc người Khmer đều có một ngôi chùa. Mỗi ngôi chùa trung bình có từ 15 đến 30 vị sư. Đời sống của các vị sư được duy trì bằng sự quyên góp, cúng tiến của người dân và đó được xem là một niềm tự hào, hạnh phúc trong cuộc sống của người Khmer.
Đối với mỗi người con trai Khmer, dù thuộc bất cứ tầng lớp xã hội nào đều phải đi tu để rèn luyện nhân cách, học giáo lý phật pháp. Về nguyên tắc, đi tu lúc 12 đến 20 tuổi là trả ơn mẹ, từ 21 tuổi trở lên là trả hiếu cha. Họ xem việc đi tu là nghĩa vụ và vinh dự của cuộc đời. Qua đó cho ta thấy, ngôi chùa là nơi giáo dục, rèn luyện thanh thiếu niên về phẩm chất và đạo đức.
Chùa bao giờ cũng được xây dựng ở nơi cao ráo, bằng phẳng. Ngôi chánh điện được quy định luôn luôn quay về hướng trời mọc. Chánh điện là nơi cử hành các cuộc lễ lớn: lễ Phật Đản, lễ nhập Hạ, lễ xuất Hạ, tết Chôl Chnăm Thmây, lễ Ooc- om-boc, lễ Dolta,…Ngoài ý nghĩa là trung tâm thờ Phật, Chánh điện còn là nơi tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc và trang trí của người Khmer. Lễ hội thường gắn với các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ truyền thống của dân tộc như: nghệ thuật sân khấu Dù Kê, kịch múa Rô Băm, múa dân gian Sarawan, Rom vong. Hiện nay, mỗi ngôi chùa của người Khmer thường có phòng đọc sách, trường học chữ, học giáo lý,… Mỗi ngôi chùa đều có bia ghi lại ngày xây dựng, trùng tu chùa, giúp mọi người hiểu được lịch sử quy tụ con người từ buổi đầu khai phá vùng đất mới, lập nên những phum, sóc ngày càng phát triển.
            Ngôi chùa trong cộng đồng người Khmer được tạo nên từ những nét đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc, thể hiện sự giao thoa với văn hóa cộng đồng người Kinh – Hoa Nam Bộ, góp phần làm giàu thêm sự phong phú trong kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.
ND - tổng hợp(http://www.bienphongvietnam.vn) 

Cây Thốt nốt – Biểu tượng văn hóa của người Khmer


Cây Thốt nốt – Biểu tượng văn hóa của người Khmer

Đối với người Khmer, thốt nốt không phải là một loài thực vật thuần túy mà là một loại cây đặc biệt, có tính biểu trưng rất cao. Do vậy, sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy cây thốt nốt luôn hiện hữu và là một phần không thể tách rời trong đời sống của người Khmer.
          Ở nước ta, không rõ loài cây này có từ bao giờ, nhưng trong mắt người Việt Nam cây thốt nốt luôn được xem là một biểu tượng văn hóa đi kèm với người Khmer. Bởi khi xét ở nhiều phương diện, cây thốt nốt không chỉ tượng trưng cho tâm hồn, tính cách của người Khmer, mà nó còn tượng trưng cho văn hóa của họ.
          Có thể nói, trong đời sống thường nhật người Khmer chưa bao giờ tách khỏi cây thốt nốt. Từ nó, người ta có thể làm ra rất nhiều sản phẩm độc đáo góp phần cải thiện không nhỏ đời sống như: bánh thốt nốt, đường thốt nốt, chè thốt nốt, đũa thốt nốt, rổ thốt nốt, quạt thốt nốt,…Ngoài các sản phẩm trên, cây thốt nốt còn được xem là biểu tượng cho đức tính nhẫn nại, chịu khó của người Khmer. Họ thường sống ở những cụm đất cao (đất dòng) khô cằn và kém màu mỡ. Tuy nhiên, cho dù quanh năm phải làm trên cánh đồng cháy nắng, mùa màng thất bát nhưng họ luôn cần mẫn với những gì thiên nhiên ban tặng, chấp nhận cải tạo nó để cuộc sống tốt đẹp hơn và hài lòng với cuộc sống của mình. Trong khi đó, dù đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây thốt nốt vẫn vươn cao không ngại, chung thủy với vùng đất mình đang sống, vẫn cho trái ngọt, che chở và gắn bó với người Khmer từ thế hệ này sang thế hệ khác.
          Bề ngoài thân cây xù xì, gai góc nhưng có lá tròn, xòe ra xanh mướt làm toát lên vẻ đẹp hết sức mộc mạc, đơn sơ, điều này làm ta liên tưởng đến tính cách của người dân Khmer chân chất, đơn giản nhưng lại vô cùng thân thiện, không chú trọng lắm đến hình thức bên ngoài, nét đẹp của họ thường được bộc lộ từ bên trong, giúp người như giúp bản thân, không câu nệ từng lời ăn tiếng nói,…tất cả tạo nên vẻ đẹp giản dị, chất phác, một tâm hồn trong sáng là cái cốt lõi của mỗi con người Khmer. Đó là một đức tính quý báu mà ai cũng phải nể phục và tôn trọng.
          Từ những yếu tố trên cho thấy cây thốt nốt có vị trí rất đặc biệt đối với người Khmer. Đó là một hình tượng mà dường như đã cô đọng được những nét cốt lõi nhất trong văn hóa của một dân tộc. Tin tưởng rằng, dù có thế nào đi nữa, cây thốt nốt vẫn luôn là một biểu tượng văn hóa tồn tại mãi mãi trong lòng đồng bào dân tộc Khmer.
Nguyễn Dũng

Cù Lao Dung sau 10 năm xây dựng và phát triển


Cù Lao Dung sau 10 năm xây dựng và phát triển

        Cù Lao Dung được tách ra từ huyện Long Phú vào năm 2002, là một huyện mới, còn nghèo và chưa ổn định nên gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội, cơ cấu quản lý nhà nước, hệ thống đường – trường – trạm còn thiếu trầm trọng, đời sống người dân vô cùng khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo còn rất cao. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực nâng cao và ổn định mức sống của người dân cũng như thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của huyện nhà, trong 10 năm xây dựng và phát triển Huyện ủy, UBND huyện luôn chú trọng thực thi các chính sách an sinh xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng mới và tu bổ lại hệ thống trường học đạt chuẩn quốc gia cấp I, II và trường mẫu giáo ở mỗi xã như: Trung học cơ sở An Thạnh I, Tiểu học Cù Lao Dung, Tiểu học An Thạnh 3A,… Cùng với đó nâng cấp Bệnh viện đa khoa Cù Lao Dung và xây mới thêm các trạm y tế ở mỗi xã.
          Đặc biệt, do vị trí nằm giữa hai cửa biển Định An và Trần Đề chia cách với đất liền nên việc phát triển, xây dựng mới hệ thống giao thông là một vấn đề đặc biệt cần thiết, mắc xích quan trọng rút ngắn khoảng cách với các vùng lân cận, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ sự giao thương đi lại của người dân trong huyện. Những tuyến đường nhỏ hẹp, lầy lội vào mùa mưa, nắng bụi vào mùa khô nay đã được thay thế bằng những con đường nhựa, dal nối liền về các ấp, các xã. Những tuyến giao thông nông thôn này không chỉ tạo ra bộ mặt mới mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn. Hiện nay 95% các xã đều có đường ôtô đến tận trung tâm.
 Bên cạnh việc xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, huyện Cù Lao Dung còn được Trung ương đầu tư xây dựng và mở rộng một số công trình quan trọng như: tuyến đê bao tả - hữu Cù Lao Dung, tuyến Quốc lộ 60 từ trung tâm TP.Sóc Trăng đi qua địa bàn huyện nối với Trà Vinh và một số tỉnh khác. Đối với người dân Cù Lao Dung việc được sử dụng điện là mơ ước của bao thế hệ, nên sau khi chia tách Đảng bộ huyện đã tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, đưa lưới điện quốc gia đến các ấp, xã. Đến nay 100% hộ dân trong huyện đã được sử dụng điện trong sinh hoạt hàng ngày.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang kêu gọi nhà đầu tư vào khai thác và phát triển dự án du lịch sinh thái rừng Bần ngập mặn ven biển thuộc xã An Thạnh Nam có diện tích khoảng 200ha. Đây là lợi thế rất lớn giúp cho kinh tế của huyện tăng trưởng mạnh trong những giai đoạn mới. Huyện cũng xây mới và mở rộng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc xã An Thạnh Đông để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân trong những dịp lễ, tết và trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách đến tham quan.
          Hy vọng rằng với những thành tựu đã đạt được sau 10 năm thành lập sẽ là tiền đề vững chắc giúp cho huyện Cù Lao Dung tiếp tục phát triển tốt hơn trong giai đoạn mới. Đảng bộ, Huyện ủy, UBND huyện cùng nhân dân sẽ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng theo lời dạy của Bác, cùng chung sức, đoàn kết một lòng xây dựng Cù Lao Dung ngày càng trở nên giàu đẹp.
Thanh Dũng