Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Hội nghị tổng kết năm 2012 và kế hoạch năm 2013 của Hiệp hội Du lịch tỉnh




          Vào lúc 14 giờ ngày 06/3/2013, tại khách sạn Gia Huy, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013.
          Đến dự có ông Lâm Vĩnh Phương – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các thành viên trong BCH, BTT Hiệp hội Du lịch và hơn 30 đại biểu đại diện cho các doanh nghiêp kinh doanh dịch vụ du lịch, Trung tâm TTXTDL, phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
          Ông Trịnh Công Lý, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hiệp hội đã báo cáo tình hình hoạt động Hội trong năm 2012 và triển khai phương hướng, kế hoạch năm 2013.
          Trong năm 2012, Hiệp hội Du lịch tỉnh đã tập hợp, kết nối các doanh nghiệp du lịch và dịch vụ trong tỉnh tham gia quảng bá, xúc tiến thương hiệu tại các hội chợ, hội thảo, phát hành các tờ rơi, tờ bướm để quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tuyến tour du lịch. Ban Chấp hành HHDL đã tập hợp ý kiến phản ánh, đề nghị về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND tỉnh, được lãnh đạo quan tâm giải quyết kịp thời. Từ đó, tạo thêm niềm tin cho các doanh nghiệp, nâng cao vai trò, vị trí của Hiệp hội Du lịch tỉnh.
          Bước sang năm 2013, Hiệp hội Du lịch tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, mở rộng hoạt động đối ngoại, liên kết với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và các tỉnh, thành trong cả nước để phát triển loại hình du lịch trong tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch thông qua việc liên kết, phối hợp tổ chức mở các lớp nghiệp vụ: quản lý khách sạn vừa và nhỏ, lớp tập huấn phát triển du lịch nông thôn,... Tổ chức và tham gia các hoạt động, xây dựng các sản phẩm đặc thù của địa phương, doanh nghiệp để giới thiệu và quảng bá rộng rãi trong khu vực cả nước. Đặc biệt là chuẩn bị tốt kế hoạch tham gia các hoạt động phục vụ cho Festival Đua ghe Ngo lần thứ I tỉnh Sóc Trăng tổ chức vào trung tuần tháng 10/2013 (âm lịch).
          Sau khi lắng nghe các ý kiến phát biểu, đóng góp của đại biểu, ông Lâm Vĩnh Phương - Phó Giám đốc Sở VHTTDL thay mặt Ban Giám đốc Sở đã biểu dương thành tích năm 2012 của HHDL, giải quyết các ý kiến đề xuất của hội viên và Ban Chấp hành HHD. Đ/c đã động viên, khuyến khích tất cả các thành viên Hiệp hội Du lịch tiếp tục cố gắng nâng cao và mở rộng hơn nữa chất lượng hoạt động để từ đó có thể góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển về du lịch và kinh tế của tỉnh nhà./.

                                                                                                                                    Nguyễn Dũng


CHÙA SÊRÂY CRO SĂNG



Chùa Sêrây Cro Săng hay còn được gọi là chùa Cà Săng. Chùa tọa lạc tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu cách trung tâm thành phố Sóc Trăng về hướng đông – nam khoảng 40km. Đây là một trong những ngôi chùa Khmer cổ ở tỉnh Sóc Trăng với quần thể kiến trúc hài hòa có niên đại trên 400 năm.
Chùa được xây dựng vào năm 1576, có diện tích 22.230m2. Tổng thể kiến trúc ngôi chùa bao gồm: chánh điện, sala, nhà ở cho các vị sư, trường dạy chữ Khmer, tháp để tro cốt người chết và lò hỏa táng,... Từ lúc hình thành đến nay chùa đã trải qua 10 đời trụ trì, trong đó Hòa thượng Lekkhanathê trụ trì chùa lâu nhất với thời gian 52 năm.
Cổng chùa Sêrây Cro Săng là một công trình kiến trúc được xây dựng bằng bê tông màu đỏ thẩm, bên dưới cổng gồm 2 cột trụ nền vuông có tác dụng chống đỡ cho phần mái tháp. Phần cổng vòm phía trên bao gồm 03 ngọn tháp được đắp nổi họa tiết hoa văn Khmer. Trên đó có ghi tên chùa Sêrây Cro Săng bằng tiếng Khmer với nét chữ màu đỏ được đắp nổi trông rất đẹp mắt.
Chánh điện chùa quay mặt về hướng Đông, theo quan niệm của người Khmer, Phật ở phương Tây quay mặt sang hướng Đông để ban phước cho dân nên chùa phải xây theo hướng Đông để hợp với hướng thờ Phật Thích Ca trong chánh điện.
Ngôi chánh điện của chùa Sêrây Cro Săng hiện nay được xây dựng lại vào năm 2005 dưới thời trụ trì của Hòa thượng Lý Thi, chánh điện xây dựng trên hai cấp nền cao hơn hẳn các công trình khác trong khuôn viên chùa. Giữa mỗi cạnh đều có một vị Phật ngồi tọa thiền quay về 4 hướng với ý muốn: Phật pháp lan tỏa và thấm nhuần khắp 4 phương. Quanh cấp nền của chánh điện đều có hàng rào bao bọc và có lối cầu thang đi lên nơi thờ Phật ở mỗi cạnh của chánh điện.
Kết cấu mái ngôi chánh điện là một kết cấu đặc biệt gồm 05 ngọn tháp, bao gồm 4 ngọn tháp nằm ở 4 cạnh tương xứng với vị trí của 4 vị phật ngồi tọa thiền phía dưới. Mỗi tháp có chiều cao khoảng 5m và đáy rộng 3m, riêng ngọn tháp trung tâm nằm giữa chánh điện cao khoảng 7m và rộng 5m. Chính sự đặc biệt này đã khiến cho mái chính điện trở nên đồ sộ, song không vì thế mà mất đi vẻ thanh thoát, nhẹ nhàng. Trên từng cấp mái đều được trang trí hình rồng cách điệu trong văn hóa Khmer.
Bên trong chánh điện là một không gian rộng để thờ Phật Thích Ca và nhiều tượng Phật khác nhau, mỗi tượng phản ánh một sự kiện quan trọng nhất định trong cuộc đời của đức Phật. Xung quanh tường bên trong và ngoài chánh điện đều được trang trí hình ảnh về cuộc đời của Phật Thích ca từ lúc sinh ra cho đến nhập cõi niết bàn.
Chùa Sêrây Cro Săng là một công trình nghệ thuật kiến trúc tôn giáo có giá trị thẩm mỹ thể hiện vốn đặc trưng văn hoá truyền thống Khmer Nam bộ nói chung và Sóc Trăng nói riêng. Ngôi chùa là sự tập hợp toàn vẹn các yếu tố tạo hình kết hợp chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong một thể thống nhất. Chùa vừa là trung tâm giáo dục văn hóa của đồng bào Khmer, vừa là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng của cư dân địa phương.
Trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chùa Sêrây Cro Săng vừa là cơ sở nuôi chứa những cán bộ hoạt động cách mạng, vừa là một trong những mũi nhọn cho các phong trào đấu tranh của đồng bào Khmer chống lại sự đàn áp của chính quyền tay sai thời Mỹ - Diệm cho đến khi cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam thành công ngày 30/4/1975.
Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 12/5/2004 chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có quyết định số 655/QĐ.HT.04 công nhận chùa Sêrây Cro Săng là di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, góp phần phát huy giá trị lịch sử địa phương trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nguyễn Dũng
* Tài liệu tham khảo:
1/ Lý lịch di tích lịch sử - văn hóa chùa Sêrây Cro Săng (Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, 11/2003).
2/ Tài liệu ghi chép lại của chùa Sêrây Cro Săng.




Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2012



Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật năm 2012, bao gồm;
1. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” được UNESCO vinh danh vào Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. “Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm” (Bắc Giang) là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
3. Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm cấp quốc gia.
4. Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 năm 2019.
5. Các hoạt động nhân Năm hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Ấn Độ và Giao lưu văn hóa -nghệ thuật các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.
6. Lễ công bố Vịnh Hạ Long là một trong bảy Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
7. Du lịch Việt Nam đón 6,847 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 32,5 triệu lượt khách nội địa và Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ-Huế 2012.
8. Trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lần thứ IV, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lần thứ III, Danh hiệu nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú lần thứ VII.
9. Thành công của thể dục, thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế: 18 vận động viên chính thức tham dự Olympic 2012, 11 vận động viên tham dự Paralympic 2012, 271 huy chương vàng, 234 huy chương bạc và 154 huy chương đồng tại các giải thể thao quốc tế.
10. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc Chăm - Ninh Thuận năm 2012 và khánh thành cụm tháp Chăm tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
          Việc công bố 10 sự kiện Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm nêu lên sự phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua các thời kỳ, vượt qua bao khó khăn thách thức để trở thành một ngành, một bộ phận quan trọng của Việt Nam./.
Nguyễn Dũng

Các hoạt động văn hóa, thể thao mừng Đảng, mừng xuân Quý Tỵ năm 2013



          Năm cũ qua đi, năm mới lại đến, không khí mùa Xuân lan tỏa khắp các phố phường của Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung. Trong không khí se lạnh buổi sớm mai hòa lẫn với những tia nắng ấm áp, đường phố tấp nập người qua lại, khuôn mặt tràn đầy sự phấn khởi và náo nức chào đón năm mới “Quý Tỵ”, một năm hứa hẹn có nhiều chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
          Nhằm tạo thêm không khí vui tươi, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân thịnh vượng trên tinh thần tiết kiệm, đầm ấm mừng tỉnh nhà đạt được các chỉ tiêu văn hóa, kinh tế, xã hội đã đề ra và tiếp tục phấn đấu gặt hái được nhiều thành tựu trong năm mới. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sóc Trăng đã có công văn số 1779/KH.SVHTTDL, ngày 28/12/2012 về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao “Mừng Đảng, Mừng Xuân Quý Tỵ 2013” với các nội dung sau:
Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại Công viên 30/4, Quảng trường Bạch Đằng và các huyện, thị xã từ ngày 31/1 – 09/2/2013, song song là chương trình văn nghệ phục vụ địa bàn cơ sở (vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc), tổ chức văn nghệ phục vụ Giao thừa tại Công viên 30/4 (kết hợp bắn pháo hoa); vẽ mới 04 bảng pano lưu động “Mừng Đảng quang vinh – Mừng xuân Quý Tỵ năm 2013” và 02 cụm pano Trà Tim, Ranh hạt Đại Hải; triển lãm bộ ảnh “Thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng năm 2012” từ ngày 05/2 – 19/2/2013 tại Quảng trường Bạch Đằng.
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT sẽ tổ chức Hội diễn Lân, Võ thuật, Thể dục dưỡng sinh mừng Đảng, mừng Xuân và hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tại Quảng trường Bạch Đằng từ ngày 08/2 – 09/2/2013.
Tại Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt tổ chức Hội “Hoa Xuân” với khoảng 100 gian hàng trưng bày và bán nhiều loại hoa, cây cảnh, bonsai,… để đáp ứng cho nhu cầu mua sắm, thưởng ngoạn của người dân và du khách gần xa khi đến thành phố Sóc Trăng.
Đoàn nghệ Thuật Khmer tổ chức biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào, chiến sỹ vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trong dịp kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 – 03/2/2013) và mừng Xuân Quý Tỵ năm 2013.
Bảo Tàng tỉnh tổ chức triển lãm trưng bày một số chuyên đề về Đảng, Bác Hồ và sự nghiệp đấu tranh cách mạng của tỉnh qua các thời kỳ; đồng thời chỉ đạo Nhà truyền thống các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh lại các phòng trưng bày, mở cửa thường xuyên nhằm thu hút nhân dân đến tham quan.
Thư viện tỉnh sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội Báo Xuân Quý Tỵ năm 2013 “Mừng Đảng, Mừng Xuân”; phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các Thư viện huyện, thị xã, thành phố và các thư viện công cộng, phòng đọc sách, tủ sách trên địa bàn tỉnh phục vụ bạn đọc trước, trong và sau tết.

Ở Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đồng loạt tổ chức các chương trình văn nghệ, tuyên truyền cổ động, trưng bày – triển lãm thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội của địa phương, phối hợp tổ chức và tham gia liên hoan, hội diễn, hội thao tạo không khí vui tươi phục vụ nhân dân địa phương, đồng bào dân tộc vui xuân mới.
Mừng Xuân Quý Tỵ 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa, nhằm kịp thời ngăn ngừa và xử lý các hiện tượng tiêu cực, giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh trong dịp tết Nguyên đáng cổ truyền của dân tộc.
                                                Nguyễn Dũng

Thưởng thức các món ngon từ vùng cù lao sông nước Sóc Trăng




Là vùng sông nước thuộc tỉnh Sóc Trăng, huyện Cù Lao Dung nằm giữa hai cửa biển Trần Đề và Định An của dòng sông Hậu, xung quanh được bao bọc bởi cánh rừng bần phòng hộ có diện tích khoảng 1200 ha. Đến tham quan vùng đất Cù Lao Dung, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nét đẹp hoang sơ của thiên nhiên mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản dân dã mang đậm hương vị phù sa mà ít nơi nào có được.
Cá bống sao – cá thòi lòi
Cá bống sao là một trong những đặc sản của vùng đất Cù Lao Dung, cá bống sao có lốm đốm xanh, da lấm tấm những chấm trắng li ti. Thịt cá bống sao màu hồng, dai và săn chắc. Món được chế biến từ loại cá này được nhiều người ưa thích nhất là kho tiêu, kho khô hay “kho chồn”. Cá bống sao “kho chồn” ngon là nhờ lá gan của nó lớn gần bằng bụng. Vị đắng, bùi của gan cá, cộng với mùi cay, nồng của sả, ớt tạo nên hương vị khó quên. Ngoài ra, nếu có điều kiện du khách cũng nên dùng thử món cá thòi lòi nướng trui. Thòi lòi là loại cá cùng họ với cá bống sao nhưng sống trong môi trường lưỡng cư, thịt cá dai, ngọt. Thòi lòi nướng trui được chế biến tương tự như cá lóc nướng trui và được dùng với rau sống, chuối chát chấm với nước mắm chua dầm bần chín cây.
Cá ngát
Canh chua cá ngát nấu bần là món ăn đặc trưng của vùng sông nước. Nguyên liệu đặc trưng dùng để nấu là trái bần chín cây. Bần chín cây dùng chày nhỏ đâm nát, lọc lấy nước cốt. Đợi cho nồi nước thật sôi, thịt cá vừa chín cho nước bần vào và thêm gia vị và các phụ liệu nhằm tăng sự kích thích vị giác như rau thơm, sả, ớt, cà chua,… Cá ngát nên ướp tỏi chiên sơ qua cá trước khi nấu để tạo độ dai, thơn ngon, không bị nát và tăng thêm hương vị. Canh chua bần cá ngát ngon nhất khi còn bốc khói, ăn kèm với bún và các loại rau vườn sẵn có. Chính mùi thơm, béo ngọt của cá với hương vị của bần, tạo nên mùi vị đậm đà khó quên của món ăn này.
Cá bông lau
Từ lâu các món ăn được chế biến từ cá bông lau đã trở thành món ngon đặc sản, tạo nên phong vị ẩm thực rất riêng của vùng cù lao sông nước. Bông lau là loài cá da trơn, hình dáng thon, dài, da trắng mịn. Thịt cá bông lau trắng hồng, thơm ngon, không tanh nên được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Đặc biệt, cá bông lau kho tộ là món được nhiều người ưa thích, ngon nhất là kho cá trong tộ bằng đất. Mùi cá hòa quyện với mùi tiêu, ớt, hành tạo thành mùi thơm hấp dẫn. Tộ cá kho sền sệt nước, khứa cá ửng màu vàng cánh gián óng ánh đẹp mắt, ăn kèm với xoài sống băm nhỏ thì thật tuyệt vời. Ngoài ra, cá bông lau còn được dùng để nấu canh chua, chiên tươi, hấp cũng rất ngon.
Các món ăn từ vùng cù lao sông nước không phải là những món ăn cao sang nhưng đó lại là những món ngon đặc trưng và dùng để đãi khách quý khi đến thăm vùng đồng bằng Nam bộ.
Nguyễn Dũng


Cá bông lau kho tộ
 
 

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Chương trình tour tham quan tại Sóc Trăng




Sóc Trăng là một vùng đất có nhiều điểm đến du lịch lý thú với những ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và những lễ hội văn hóa đặc sắc của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Ngoài ra, Sóc Trăng còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử với những dấu ấn để lại qua các di tích, cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và những món ăn đặc sản dân dã mang đậm nét đặc trưng. Bên cạnh đó, tỉnh còn có nhiều dự án du lịch trọng điểm đang kêu gọi thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
          Để hiểu thêm về Sóc Trăng, du khách có thể tham khảo một số chương trình tour du lịch dưới đây:
          * Chương trình “City tour” (01 ngày):
          Du khách sẽ được tham quan và tìm hiểu 07 điểm đến trong nội ô thành phố Sóc Trăng và khu vực giáp ranh: Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, Nhà trưng bày Khu di tích lịch sử đón đoàn tù chính trị, Điểm dừng chân Tân Huê Viên, Phòng Trưng bày Văn hóa Khmer (buổi sáng); chùa Dơi, chùa La Hán, chùa Đất Sét (buổi chiều).
* Chương trình “Về với cội nguồn lịch sử” (01 ngày):
          Quý khách sẽ viếng thăm các điểm: Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, chùa Đất Sét, Nhà lưu niệm Bác sĩ Nông học Lương Định Của (buổi sáng); khảo sát về cửa sông Bassac, tìm hiểu thương cảng Bãi Xàu xưa, chùa Dơi, Điểm dừng chân Tân Huê Viên (buổi chiều).
          * Chương trình “Sóc Trăng điểm đến văn hóa – lịch sử” (2 ngày 1 đêm):
Theo tour này sẽ có các điểm đến: Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng, Khu di tích Lịch sử đón đoàn từ Chính trị Côn Đảo, chùa Đất Sét, chùa Dơi, chùa La Hán, Điểm dừng chân Tân Huê Viên, thưởng thức chương trình văn nghệ do “Đoàn nghệ thuật Khmer” biểu diễn các loại hình sân khấu ca múa dân tộc và trích đoạn Dù-Kê (ngày 01). Vườn cò Tân Long, Chợ nổi Ngã Năm, Khu Căn cứ tỉnh ủy Rừng Tràm Mỹ Phước, chùa Kh’leang, Phòng trưng bày Văn hóa Khmer, chùa Chén Kiểu (ngày 02).
Thông qua 03 tour du lịch trên sẽ giúp cho du khách trải nghiệm và hiểu thêm về vùng đất, con người Sóc Trăng; về kiến trúc của từng ngôi chùa; về quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, về những nét văn hóa đặc sắc của ba dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực đặc sản ngon và hấp dẫn như: bánh Pía, bánh cóng, bún nước lèo, cốm dẹp,...
Nguyễn Dũng









 

Lễ vinh danh và trao tặng Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2011 (tin du lịch Xuân)



Ngày 8/12/2012, Lễ vinh danh và trao tặng “Giải thưởng Du lịch Việt Nam 2011” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là sự kiện do Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp tổ chức nhằm tôn vinh 52 doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực cho thành công của ngành Du lịch trong năm 2011, bao gồm: 10 khách sạn 5 sao, 10 khách sạn 4 sao, 10 khách sạn 3 sao hàng đầu Việt Nam; 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, 10 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế hàng đầu Việt Nam; 02 resort hàng đầu Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam đã phấn đấu vượt mọi khó khăn trong tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu để tạo nên thành công chung cho ngành Du lịch trong năm 2011. Việc vinh danh và trao tặng Giải thưởng doanh nghiệp Du lịch hàng đầu Việt Nam 2011 có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm ghi nhận và biểu dương thành tích của doanh nghiệp du lịch; thúc đẩy phong trào thi đua, lao động sáng tạo trong toàn ngành; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.
Trải qua 13 năm liên tục duy trì và phát triển, Giải thưởng Du lịch Việt Nam là danh hiệu cao quý nhất của ngành Du lịch. Bộ VHTTDL đã chú trọng đầu tư nâng cấp cả về chất lượng chương trình cũng như quy mô giải thưởng để phù hợp với tình hình phát triển của các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới.
ND – http://www.vietnamtourism.gov.vn